Những vết đạn không bao giờ thấy trên máy bay - Riêng tư

Một câu chuyện về khiếm khuyết trong nhận thức của con người.
Trong WWII, Không lực Mỹ cho rằng cần bọc thép máy bay để chúng không dễ dàng bị bắn hạ. Nhưng vấn đề của thép là trọng lượng, nặng quá thì không cơ động và tốn nhiên liệu. Nhẹ quá thì dễ bị thủng giáp. Như vậy, là bọc vừa phải. Nhưng vừa là bao nhiêu, thì Không lực Mỹ …chịu. Họ mời Wald- Một nhà toán học đương thời.
Không lực cung cấp cho Wald một số dữ liệu. Dữ liệu này thể hiện rằng khi máy bay quay về từ các chiến dịch ở châu Âu, thân của chúng dày đặc những lỗ đạn. Và các lỗ đạn không phân bố đều trên toàn máy bay: Thân máy bay dính nhiều đạn hơn động cơ.
Không lực nghĩ cần tập trung nhiều thép hơn vào những chỗ dễ bị dính đạn hơn (và ngược lại).
Nhưng Wald nói, không nên bọc ở những chỗ bị dính đạn. Thép nên được bọc ở chỗ ta không nhìn thấy vết đạn.
Suy luận của Wald đơn giản bắt nguồn từ câu hỏi “Những vết đạn mà ta không nhìn thấy, chúng nằm ở đâu?” (where are the missing holes?).
Và câu trả lời, những vết đạn ta không nhìn thấy nằm trên những chiếc máy bay ta không còn được thấy.
Lí do các máy bay quay về với ít lỗ đạn trên động cơ hơn những vị trí khác là vì những máy bay bị bắn vào động cơ không thể trở về. Các máy bay quay về với phần thân thủng lỗ chỗ như những miếng pho-mát Thụy Sỹ nói rằng: đạn bắn vào phần thân không gây hậu quả quá nghiêm trọng, trong khi động cơ là một điểm yếu chết người.
Nếu ai đó đến thăm phòng phục hồi tại một bệnh viện quân y, họ sẽ dễ dàng gặp được những thương binh bị bắn vào chân hơn là bị bắn vào ngực. Có khi nào, binh sĩ ít khi bị bắn vào ngực? Thực tế là người bị bắn vào ngực thì hay được đem đi chôn hơn là được đưa đến các phòng phục hồi.
Như vậy, thép phải được bọc ở những chỗ ta không nhìn thấy vết đạn.
Gợi ý của Wald nhanh chóng chứng minh được hiệu quả trong thực tiễn. Rất nhiều máy báy được cứu. Và cuối cùng, trong chiến đấu, kẻ chiến thắng không đơn thuần dựa trên sự dũng cảm, càng không dựa trên sự phù hộ độ trì của Chúa Trời. Kẻ thắng cuộc là kẻ có số lượng máy bay bị bắn hạ ít hơn 5%, sử dụng ít hơn 5% nhiên liệu, hoặc bổ sung thêm 5% dinh dưỡng vào khẩu phần ăn của binh sĩ, …
Các nhà Toán học xếp nhận định sai lầm của các nhà quân sự bên trên vào một dạng hiện tượng gọi là “survivorship bias” (Thiên vị những kẻ sống sót). Hiện tượng này xuất hiện ở khắp mọi nơi, trong mọi lĩnh vực. Chúng ta thường chỉ nhìn thấy những hiện tượng xuất hiện và bỏ qua những gì ẩn giấu. Những người chết thì không thể nói. Nên dữ liệu về họ thường bị lãng quên. Kết luận dựa trên thiên vị thường là sai lầm. Khi tin rằng chỉ cần uống lá đu đủ là có thể khỏi được ung thư, hay khi đọc một cuốn hồi kí thành công và nghĩ rằng mình sẽ thành công nếu làm y như hồi kí, chúng ta đã yên tâm sa vào survivorship bias.
Wald đưa ra được câu trả lời mà những nhà quân sự lỗi lạc không thể, vì ông nhận ra được dữ liệu về những chiếc máy bay quay về không phản ánh hoàn toàn thực trạng của vấn đề. Nhưng trớ trêu là phần lớn mọi người, (vì đặc điểm di truyền và tiến hóa), không dễ dàng nhìn thấy những lỗ đạn mà ta không thấy.
Bình: Bản chất của con người đầy thành kiến(Bias). Để có thể vượt qua Bias và có năng lực "Think outside of the box", khả năng nhận biết mình đang thực sự ở trong một cái "box" cũng là một khả năng mang tính quyết định?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Riêng tư Thiết kế bởi trần quốc văn Seo chém gió
Top